Cuộc sống không nước sạch ở thành phố Mỹ

Cuộc sống không nước sạch ở thành phố Mỹ

Phải chi 200 USD mỗi tháng để mua nước đóng chai, Roshonda Snell cho biết cô rất muốn rời khỏi thành phố Jackson ở bang Mississippi.

Với hơn 150.000 cư dân thành phố Jackson, cuộc sống không có nước sạch là cuộc khủng hoảng không có hồi kết. “Nguồn nước của Jackson trở nên tồi tệ. Nó bị nhiễm bẩn và bạn không thể làm gì với nó”, Roshonda Snell, nhân viên khách sạn 32 tuổi, nói.

Snell được hưởng chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung của chính phủ Mỹ và cho biết cô đã dùng gần như toàn bộ số tiền nhận được để mua nước cho gia đình. “Tôi mua 5 thùng nước đóng chai lớn cho một tháng. Tôi thực sự muốn rời Jackson”, Snell nói.

Hệ thống nước ở Jackson, thủ phủ bang Mississippi, đã có vấn đề từ nhiều năm nay. Vào năm 2021, một cơn bão mùa đông khắc nghiệt đã đánh sập hệ thống trong một tháng. Khi các vòi nước hoạt động trở lại, cư dân địa phương phải trả những hóa đơn đắt đỏ cho nguồn nước mà không phải lúc nào cũng an toàn để uống.

Tuần trước, các nhà máy xử lý nước đã hoàn toàn ngừng hoạt động, một phần do lũ lụt nghiêm trọng, khiến cư dân thành phố không có nước để uống, tắm rửa và thậm chí để xả nước khi đi vệ sinh.

Thống đốc Mississippi Tate Reeves, thành viên Cộng hòa, tuyên bố cuộc khủng hoảng nước ở Jackson là “mối đe dọa sức khỏe tức thì”. Các chuyên gia cho biết cuộc khủng hoảng này đã diễn ra trong nhiều năm, do thiếu nguồn tài trợ để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu.

Trong năm qua, các lãnh đạo của thành phố với đa số người da màu và theo đảng Dân chủ đã kêu gọi các lãnh đạo bang tăng nguồn tài trợ cho thành phố. Tuy nhiên, rất ít lời kêu gọi được đáp ứng.

Ngày 1/9, quan chức bang thông báo điều 108 xe chở nước tới cho tất cả cư dân Jackson. Thống đốc Reeves cũng triển khai 600 Vệ binh Quốc gia của bang Mississippi tới 7 địa điểm phân phối nước trên khắp thành phố. Thống đốc cho biết ít nhất một máy xử lý nước dự kiến được sửa chữa vào đầu tuần này, dù không nói khi nào nguồn cung nước được khôi phục trên toàn thành phố.

Nhưng với nhiều cư dân địa phương, động thái này là quá ít và quá muộn. “Tôi đã không có nước sạch sử dụng trong ít nhất một năm rưỡi qua”, Kwame Braxton, nghệ sĩ 32 tuổi ở Tây Jackson, nói.

Braxton ở nhà trông cháu trai và cháu gái. Học khu công lập Jackson đầu tuần trước thông báo rằng sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến cho tới khi nguồn nước sinh hoạt được khôi phục. Vì có thể làm việc tại nhà, Jackson đã nhận trông cháu giúp người thân. “Thật khó để làm việc, nhưng bạn cần giúp đỡ gia đình mình”, anh nói.

Trong hơn một năm qua, Braxton thậm chí không có đủ nước để xả nhà vệ sinh và nước ở các đường ống thường có màu nâu.

Mùa đông năm ngoái, các đường ống ở phía trước nhà Braxton bị vỡ và làm ngập bãi cỏ trong vườn nhà anh, khiến hóa đơn tiền nước tăng gấp 4 lần. Braxton kể đã mất hơn ba tháng để gọi điện cho thành phố, yêu cầu cử các kỹ thuật viên tới ngắt van nước, để anh có thể gọi thợ sửa đường ống.

“Đây thực sự là cách quản lý yếu kém của chính quyền và sự thờ ơ với những gì xảy ra trong cộng đồng. Bạn phải đến những cộng đồng khác bên ngoài Jackson để thấy rõ sự khác biệt, khi họ đầu tư kinh tế để sửa chữa cơ sở hạ tầng”, anh nói.

Với Veronica Jackson, tình hình hiện tại “thật không thể chịu nổi”. “Bạn phải trả 2 USD cho mỗi gallon nước (hơn 3,7 lít). Nhưng tìm được nước để mua đã là tốt lắm rồi”, cô nói.

Tuy nhiên, cô vẫn cảm thấy bản thân may mắn khi có công việc và đủ khả năng chi trả hàng trăm USD tiền nước mỗi tháng. “Không ai chịu trách nhiệm cho cuộc khủng hoảng này. Thống đốc và thị trưởng chỉ biết đổ lỗi cho nhau”, Jackson phàn nàn.

Benny Ivey, thợ sửa ống nước, cho biết cuộc khủng hoảng cuối cùng cũng được cả nước Mỹ chú ý. “Mọi người đã thực sự thấy những gì đang xảy ra. Tôi vui vì thống đốc và những người khác cuối cùng cũng nói về nó và nói về những gì họ sẽ làm. Nhưng chúng tôi không biết có nên tin tưởng những gì họ nói”, Ivey nói.

Là thợ sửa ống nước, Ivey biết rõ cơ sở hạ tầng cấp nước của thành phố Jackson xuống cấp tới mức nào.

Ivey lớn lên ở Nam Jackson nhưng chuyển tới vùng ngoại ô gần hạt Rankin. “Không có nổ súng, nước sạch, hệ thống thoát nước tốt”, Ivey nói về Florence, thành phố nơi anh đang sống. Sự khác biệt giữa Jackson và Florence giống như “đêm và ngày”, theo Ivey.

Tammie Williams, người sống ở Nam Jackson, nói bà mơ được rời khỏi thành phố này. Trận mưa lớn, khiến sông Pearl ngập và đóng cửa nhà máy nước O.B. Curtis, đã khiến chất thải vệ sinh tràn vào phòng tắm nhà bà. Gần một tuần sau, vũng nước thải vẫn còn ở cạnh khu nhà Williams và bốc mùi hôi thối, bất chấp nhiều cuộc gọi cho chính quyền thành phố.

Williams chỉ sử dụng nguồn nước chưa qua xử lý của thành phố để tắm, nhưng bà và cháu gái có dấu hiệu dị ứng nước. “Thậm chí không thể gội đầu hoặc làm gì khác”, bà nói.

Cuộc khủng hoảng của Jackson đã bắt đầu từ nhiều năm, theo Shambe Jones, điều phối viên cộng đồng của Jackson. Jones chỉ ra một thỏa thuận mà Jackson đã ký năm 2013 với công ty đa quốc gia Đức Siemens để làm sạch hệ thống của thành phố. Nhưng dự án đã thất bại và thành phố nhận được gần 90 triệu USD tiền đền bù sau vụ kiện.

“Tôi nhận thấy ngày càng nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, ngày càng nhiều người rời đi, đường xá xuống cấp và hệ thống nước ngày càng tệ”, Jones nói. “Tôi đã thấy tất cả và cũng thấy những thành phố xung quanh phát triển như thế nào”.

Josephine Hartwell, 64 tuổi, nhớ Jackson từng là một thành phố rất tuyệt vời. Nhưng giờ không chỉ thiếu nước, “mọi thứ của thành phố đã hỏng”.

Hartwell nói khủng hoảng nước chỉ là một trong những cuộc khủng hoảng mà Jackson phải đối mặt. Bà nói thành phố có rất nhiều vấn đề cần khắc phục, từ cầu đường đến tình trạng tội phạm. Vài tháng trước, bà từng là nạn nhân của một vụ cướp xe.

“Tôi bị trầm cảm và điều đó thật đáng sợ. Tôi vốn làm việc tại bệnh viện Đại học Mississippi và thường phải về nhà vào ban đêm. Tôi đã nghỉ việc vì sợ lái xe một mình về nhà”, bà nói. “Nhưng thật may mọi người giờ đang giúp đỡ chúng tôi”.

Thanh Tâm (Theo Washington Post)


CÔNG TY CP SKY VIỆT NAM 
Văn phòng:     Số 79/649 đường Lĩnh Nam, Quận Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại:     024 3995 4990  –  Hotline:   0912 293 769 (iSMS, Zalo, Line, Viber)
Website:         www.locnuoc360.com   –   Email:    locnuoc360.com@gmail.com

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *