Nước là một thành phần tự nhiên, đóng vai trò quan trọng với hệ sinh thái tự nhiên và cuộc sống của con người. Chuyện gì sẽ xảy ra trên trái đất nếu không có nước? Chắc chắn đó sẽ là một viễn cảnh kinh hoàng với loài người. Nước chính là biểu trưng của sự sống. Nơi nào có nước, nơi đó có vạn vật sinh sôi, phát triển.
1. Vòng tuần hoàn nước trong tự nhiên
Nước chiếm đến 70% trên trái đất – một con số quá lớn đủ thấy sức ảnh hưởng của nước đối với tự nhiên và con người. Đây cũng là lý do tại sao, những bức ảnh chụp vệ tinh bên ngoài trái đất luôn có màu xanh dương.
Thực tế là mưa vẫn liên tiếp đổ xuống trái đất, ở nơi này, hoặc nơi khác. Vậy liệu đại dương không mở rộng có thể tích đủ lượng nước mưa liên tục trút xuống?
Câu trả lời là lượng nước được luân chuyển liên tục và biến đổi thành các dạng khác nhau như lỏng – rắn – hơi trên khắp Trái đất và bầu khí quyển. Chúng chuyển hóa và vận động từ đến các vị trí khác nhau từ mặt nước, lên khí quyển, rồi có thể tạo băng ở vùng lạnh giá. Vòng tuần hoàn nước chính là mô tả ngắn gọn cho chu trình vận động của nước trong tự nhiên.
Chu trình của nước là một vòng khép kín, không có điểm đầu, điểm cuối rõ ràng. Chúng tạo nên các tác động, gồm cả tích cực và tiêu cực đến thời tiết, lối sống của con người, thảm thực vật,… Chúng ta có thể hiểu đơn giản như sau:
Nước trên bề mặt như ao, hồ, sông, suối được cung cấp từ nước mưa, nước ngầm. Chúng sẽ bị mất đi trong quá trình bốc hơi, hoặc các dòng chảy mặt tập hợp với nhau chảy về đại dương. Biển lưu trữ nước lớn nhất của cả hành tinh, chiếm đến ¾ diện tích Trái đất.
Dưới tác động làm ấm – tăng nhiệt của mặt trời, nước sẽ bốc hơi. Nhiệt độ càng cao tốc độ bốc hơi nước sẽ càng nhanh. Nước chuyển đổi từ pha lỏng sang pha khí trong quá trình này.
Hơi nước bốc lên và di chuyển tự do trong khí quyển, một phần trong số đó tạo thành các đám mây bao phủ. Khi lượng nước bốc lên càng nhiều, nhưng đám mây to nặng sẽ tạo mưa và quay lại thành dòng chảy mặt.
Ở các vùng cực, khí hậu lạnh giá, hoặc trên đỉnh núi, do nhiệt độ cực thấp (chỉ vài độ C hoặc luôn âm), nước sẽ tồn tại ở dạng băng tuyết (pha rắn). Mùa đông, nhiệt động càng xuống thấp là điều kiện thuận lợi để lượng băng tuyết tăng lên. Ngược lại, đến mùa hè, nhiệt tăng sẽ làm một phần băng tan, tạo thành dòng chảy đến các dòng sông, suối, hồ chứa.
Băng tuyết ở dạng rắn cũng có thể chuyển trực tiếp thành dạng khí (thăng hoa), hoặc đối lại chuyển trực tiếp từ hơi thành dạng băng – rắn (còn được gọi là lắng đọng).
Nước ở tầng mặt còn tương tác với tầng ngầm vào trao đổi liên tục với chúng. Khi mực nước ngầm cao, chúng cung cấp trở lại cho tầng trên mặt. Còn khi mực nước ngầm thấp, nước từ trên mặt lại thấm xuống phía dưới. Nước trong lòng đất cũng được chuyển một phần vào cây cối, và bốc hơi từ thực vật qua quá trình quang hợp.
Nước không bao giờ ở trạng thái tĩnh lặng, và chu trình thực tế cũng khá phức tạp. Sự vận động của nước mang theo các vật chất (cát, bụi, thành phần không khí,…) từ nơi này đến nơi khác. Vì vậy, chúng góp phần tạo nên sự chuyển động của những thứ tưởng chừng như bất động, giúp Trái đất không khác gì so với một vật thể sống.
2. Vai trò của nước với hệ sinh thái tự nhiên và con người
Nước có thể được ví như mạch sống của Trái đất. Nếu Trái đất như một cơ thể, thì dòng nước chính là huyết mạch, vận chuyển, lưu thông, liên kết các phần của trái đất lại với nhau. Vai trò của nước với hệ sinh thái tự nhiên nói chung và con người nói riêng rất đặc biệt.
Nước liên hệ mật thiết với điều kiện thời tiết
Chu trình nước ảnh hưởng trực tiếp tới khí hậu và thời tiết của các khu vực trên Trái đất. Nơi nắng hạn, nơi mưa lũ, nơi băng giá,… Đó là những điều kiện riêng lẻ, nhưng chúng cũng có mối quan hệ mật thiết trong một trái đất tổng thể.
Nơi nào lượng mưa nhiều, dòng chảy thường xuyên, thì đồng nghĩa rằng nơi đó điều kiện khí hậu và thời tiết thuận lợi, mát mẻ. Đồng thời, các loại động, thực vật phát triển phong phú.
Mặt khác, ở những khu vực, lượng mưa ít, dòng chảy sông ngòi cạn kiệt, mực nước ngầm thấp, thì ở đó có khí hậu khô hạn, nắng nóng, khắc nghiệt.
Việt Nam chính là một ví dụ điển hình về lượng nước và khí hậu. Hằng năm, nước ta vẫn đón nhận từ thiên nhiên lượng mưa lớn, cùng với sông ngòi phát triển. Khí hậu 3 miền khác nhau, tuy nhiên, nhìn chúng, thiên nhiên đã ưu đãi để nước ta có khí hậu khá dễ chịu, không quá nóng gắt, không quá lạnh giá, và đặc biệt rất phù hợp để phát triển lúa nước.
Nước giúp xây dựng và tạo nên các hệ sinh thái tự nhiên
Dân gian ta có câu: “Nước chảy đá mòn” – điều này chứng minh rằng, nước không chỉ là dòng chảy đơn thuần. Với tác động từng ngày, từng giờ, nước góp phần tạo dựng lên những điều kiện địa hình, môi trường sinh thái khác nhau.
Bờ sông bên bồi, bên lở – nước vừa cung cấp sức sống cho chính dòng sông, vừa tạo nên hệ sinh thái hai bên bờ sông. Nơi đó, đất đai được cung cấp phù sa màu mỡ, phù hợp cho việc canh tác, trồng trọt. Kéo theo các loài chim chóc, sinh vật đến cùng sinh sôi, phát triển.
Nước có thể bồi đắp tạo nên những vùng đất cao ráo (đồng bằng) và tạo nên những vùng trũng thấp hơn (sông, thung lũng,…). Thời xa xưa, nhận biết được lợi ích của sông suối. Vì vậy cứ nơi nào có sống hồ, thì nơi đó có con người tập tụ và sinh sống.
Bấy nhiêu đó mới thấy rằng, nước góp phần rất lớn việc tạo dựng các hệ sinh thái tự nhiện và bảo vệ đa dạng sinh học. Cũng tương tự với môi trường hồ, ao, kênh, rạch, đầm lầy… Mỗi nơi tạo nên một điều kiện sống khác nhau, và có hỗ trợ ngược lại cho con người, cùng các sinh vật khác.
Nước là nguồn dinh dưỡng cho mọi sinh vật để sống
Tất cả các sinh vật đều cần nước để tồn tại, bao gồm cả: thực vật, động vật và con người. Nước là một thành phần quan trọng trong bất kì cơ thể sống nào, chúng là yếu tố quyết định và giúp chuyển hóa chất khoáng, thức ăn thành chất dinh dưỡng để cơ thể hấp thụ.
Mạch sống của Trái đất là nước và chúng cũng là mạch sống của mọi cơ thể sống nào khác trên trái đất này. Cây cối không thể ra hoa, kết trái trong điều kiện không có nước. Con người có thể nhịn ăn trong 7 ngày, nhưng cũng không thể không uống nước trong vòng 2 ngày.
Nước là môi trường sống cho các loài sinh vật
Nước không chỉ đơn thuần là nguồn dinh dưỡng, chúng còn là nơi sinh sống của rất nhiều sinh vật thủy sinh.
- Các sinh vật sống trong nước: cá, tôm, ốc, ngao, cua, rạn san hô…
- Các sinh vật sống nửa cạn, nửa nước: ếch, nhái, cóc…
- Các loài thực vật sống trên mặt nước: bèo, lúa, thủy trúc,…
Như vậy, nước là môi trường sống của vô số các sinh vật tự nhiên. Mọi hoạt động sống như hô hấp, tìm kiếm thức ăn, sinh sản, phát triển đều diễn ra tại đây. Sẽ chẳng có con cá nào có thể sinh sôi, phát triển thành bầy đàn trong một cái hồ khô cằn.
Môi trường tự nhiên sinh ra nguồn nước. Chúng liên kết mật thiết với các thành phần khác trong tự nhiên, trong đó có sinh vật và cả con người.
Nước hỗ trợ phát triển nông nghiệp – công nghiệp – khoa học – giải trí
Giờ đây thật khó để tìm ra một ngành nghề nào không dùng nước trong đầu vào. Phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội, nước không thể tách rời bất kì một ngành nghề nào.
Công nghiệp cần nước cho sản xuất, chế biến. Nước vừa là nguyên liệu chính như trong ngành giải khát, hoặc cũng có thể là đầu vào cần thiết cho hoạt động tẩy rửa, vệ sinh.
Nông nghiệp cần nước để trồng trọt và phát triển chăn nuôi. Đây là một trong những ngành tiêu thụ lượng nước lớn nhất trên thế giới, chiếm đến 40% tổng lượng sử dụng. Đặc biệt có những loại cây trồng không chỉ cần, mà còn cần rất nhiều nước như cây lúa.
Phát triển năng lượng thủy điện là cách làm sáng tạo của con người để chuyển đổi nước thành năng lượng sử dụng trong các ngành khác. Tuy nhiên, hiện nay con người dần đang nhận thấy tác động tiêu cực lớn khi sử dụng thủy điện. Chặt phá rừng, mất cân bằng sinh thái, gây lũ lụt,… là những hậu quả điển hình và nghiêm trọng, tác động đến cuộc sống con người.
Phát triển dịch vụ nhà hàng, ăn uống, khu vui chơi, du lịch, khách sạn… cho nhu cầu ăn uống, vui chơi với số lượng người lớn.
Sử dụng sáng tạo trong ngành giải trí – nước được dùng như một công cụ sáng đổi mới của ngành giải trí trong múa rối nước, nhạc nước, đài phun nước, thác trượt,… Giờ đây ngoài ăn đủ no, mặc đủ ấm, con người cần tìm thêm nhiều hoạt động giải trí khác trong cuộc sống bận rộn, áp lực. Nước chính là sự hỗ trợ đắc lực cho ngành công nghiệp này.
Giao thông đường thủy là một trong những hình thức vận chuyển hàng hóa hay hình thức du lịch phổ biến. Đặc điểm của tàu thuyền là khả năng chuyên chở số lượng lớn, đi xa, chi phí hợp lý đã là lựa chọn cho rất nhiều chủ doanh nghiệp.
Ngoài ra, nước còn có nhiều vai trò khác như dung môi hòa tan các chất, điều hòa nhiệt độ trên trái đất…. Xét chi tiết và tổng thể, nước đóng vai trò quan trọng đối với cả tự nhiên, đời sống con người – văn hóa – chính trị – kinh tế.
3. Nước không phải là vô hạn?
Thực tế rằng, mọi người luôn nghĩ rằng, nguồn nước là vô hạn. Cứ khoan đường ống xuống đất là có nước ăn, nước uống. Điều này có thể đúng với nước ta, nhưng rất nhiều nơi khác trên trái đất, con người đã và đang không có nước để sử dụng.
Nước hoạt động theo chu trình và vòng tuần hoàn của chúng. Do đó, nếu không sử dụng đúng cách sẽ đến một thời điểm nguồn nước ở những nơi tưởng chừng dồi dào, cũng sẽ biến mất.
Nước chiếm phần lớn trên trái đất, đến 70%. Tuy nhiên, nước ngọt, nước sạch để sử dụng cho hoạt động sống không chiếm lượng lớn như vậy. Bạn có biết, trong số đó chỉ có 3% lượng nước ngọt, ở dạng lỏng, có thể dùng làm nước uống và sinh hoạt. Phần còn lại, chiếm đa số là nước mặn và băng tuyết, không thể sử dụng được.
Hơn nữa, phát triển công nghiệp hóa đem lại cho con người lợi ích về mặt kinh tế, nhưng lại kéo trở lại ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Nước ngọt đã ít, nay còn ít hơn nữa dưới chính tác động của con người.
Tất cả mọi ngành nghề, cuộc sống của con người và sinh vật trên trái đất đều phụ thuộc vào nước. Do đó, chúng ta hãy luôn có ý thức sử dụng tiết kiệm, hạn chế lạm dụng phân bón hóa học, xử lý nước thải… để bảo vệ nguồn nước cho chính mình. Trân trọng và gìn giữ tài nguyên vô giá này, chính là tôn trọng cuộc sống của chúng ta ở hiện tại và thế hệ tương lai.
CÔNG TY CP SKY VIỆT NAM
Văn phòng: Số 79/649 đường Lĩnh Nam, Quận Hoàng Mai, Hà Nội
Điện thoại: 024 3995 4990 – Hotline: 0912 293 769 (iSMS, Zalo, Line, Viber)
Website: www.locnuoc360.com – Email: locnuoc360.com@gmail.com