Bánh Trung thu
Bánh Trung thu là món ăn truyền thống không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu. 2 loại bánh Trung thu được sử dụng phổ biến từ xưa đến nay là bánh dẻo hoặc bánh nướng. Bánh nướng là loại bánh có vỏ làm từ bột mì, nhân bánh đa dạng, có thể là nhân thập cẩm, đậu xanh, hạt sen, trứng muối,… được đem đi nướng vàng. Bánh Trung thu ngon nhất khi thưởng thức chung với nước trà. Đây chính là món bánh kết nối các thành viên trong gia đình lại với nhau trong đêm Trung thu.
Bánh dẻo truyền thống thường có vỏ ngoài làm từ bột nếp, nhân bánh thường là đậu xanh, đậu đỏ, hạt sen béo bùi,… Trẻ em rất thích hương vị dẻo và ngọt ngào của món bánh này. Hiện nay, các thương hiệu đã sáng tạo ra rất nhiều loại bánh Trung thu có hương vị mới lạ, độc đáo như nhân trà sữa, nhân oreo,… Bạn có thể chọn những loại bánh theo sở thích của mình và các thành viên trong gia đình để mâm cỗ Trung thu thêm hấp dẫn.
Mâm ngũ quả
Theo văn hóa nông nghiệp lúa nước của Việt Nam, Tết Trung thu (rằm tháng Tám) là thời điểm mưa thuận gió hòa, người dân làm mâm cỗ để tạ ơn trời đất đã ban cho mùa màng bội thu, đủ đầy và ấm no. Trong mâm cỗ Trung thu thường có những loại trái cây, hoa quả theo mùa vụ, vùng miền, thường là ngũ quả để người dân dâng lên trời đất, tổ tiên.
Ngày trước, các loại quả thường dùng là chuối, bưởi, hồng, lựu, na, dưa hấu,… Ngày nay, các bạn có thể chuẩn bị mâm ngũ quả theo sở thích, không bắt buộc phải chuẩn bị những món bên trên.
Bánh kẹo
Mâm cỗ tết Trung thu không thể bỏ sót các loại bánh kẹo. Bánh kẹo được bày biện để trẻ em phá cỗ và thưởng thức. Điều này không chỉ mang lại niềm vui cho trẻ nhỏ mà còn biểu hiện sự quan tâm, yêu thương của người lớn dành cho con cháu.
Khi mua bánh kẹo cho trẻ nhỏ, phụ huynh nên lưu ý về nguồn gốc xuất xứ của bánh kẹo, thành phần nên hạn chế phẩm màu, đường hóa học để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.
Lồng đèn
Đã có bánh trung thu, mâm ngũ quả, bánh kẹo để phá cỗ thì không thể thiếu được tiết mục rước đèn. Lồng đèn tượng trưng cho ánh sáng, hy vọng và sự ấm áp, gắn kết tình thân trong gia đình. Dù ngày nay hoạt động rước đèn lồng không được phổ biến như trước, nhưng việc có một chiếc đèn lồng trong mâm cỗ Trung thu vẫn mang một giá trị văn hóa tốt đẹp và chứa nhiều kỉ niệm để mọi người luôn nhớ về.
2. Cách bày trí mâm cỗ Trung thu
Bày trí mâm cỗ Trung thu miền Bắc
Mâm cỗ Trung thu miền Bắc thường bao gồm các loại quả như đào, chuối, hồng, bưởi và quýt. Tại một số nơi, bưởi có thể được thay thế bằng phật thủ, kèm theo trang trí thêm táo xanh, quýt vàng và ớt đỏ để tạo nên sự hài hòa và bắt mắt. Cách bày trí mâm cỗ Trung thu miền Bắc như sau:
- Đặt nải chuối ở dưới cùng làm đế
- Trên nền chuối, đặt một quả bưởi tươi xanh, giữ nguyên cành lá.
- Xếp quýt, hồng và đào xung quanh bưởi, tận dụng các chỗ trống để bố trí một cách gọn gàng, đẹp mắt.
- Để mâm cỗ thêm phần rực rỡ, các bạn nên xếp những quả ớt đỏ xen kẽ vào những khoảng trống, tạo nên sự kết hợp màu sắc hài hòa với ba gam màu chủ đạo: đỏ, vàng và xanh.
- Có thể thêm vào mâm cỗ cốm xanh, chả cốm, chè cốm, thức quà đặc sản của mùa thu Hà Nội.
Bày trí mâm cỗ Trung thu miền Trung
Mâm cỗ Trung thu miền Trung thường mang nét đơn giản, không quá cầu kỳ, nhưng vẫn đầy đủ. Những loại quả thường được dâng cúng bao gồm đu đủ, mãng cầu, xoài, sung, cam, chuối, táo, bưởi, nho, dưa hấu, dứa và nhiều loại khác. Cách bày trí mâm ngũ quả Trung thu miền Trung như sau:
- Đặt những quả to và nặng ở phía dưới để làm nền.
- Xếp xen kẽ những quả nhỏ và nhẹ lên trên, tạo nên một tổng thể hài hòa và đẹp mắt.
- Cài thêm những bông hoa cúc để tăng thêm màu sắc tươi tắn và sinh động cho mâm cỗ.
Bày trí mâm cỗ Trung thu miền Nam
Mâm cỗ Trung thu miền Nam thường đa dạng và phong phú với các loại quả như mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, và xoài. Đặc biệt, mâm ngũ quả Trung thu miền Nam thường có thêm một cặp dưa hấu ruột đỏ, tượng trưng cho may mắn và tài lộc. Cách bày trí mâm ngũ quả Trung thu miền Nam như sau:
- Bắt đầu bằng việc bày những quả to và nặng như dừa, mãng cầu, và đu đủ lên trước để làm nền.
- Tiếp tục xếp những quả nhỏ hơn như sung và xoài lên trên, tạo thành một tháp cao đẹp mắt.
- Đặt cặp dưa hấu ở hai bên của mâm ngũ quả để tạo điểm nhấn, vừa cân đối vừa thu hút.
Bày trí mâm cỗ Trung thu bằng bánh kẹo
Mâm cỗ Trung thu bằng bánh kẹo mang lại nhiều màu sắc và sự thích thú cho trẻ em. Để bày trí, chọn các loại bánh kẹo đa dạng như bánh Trung thu, kẹo truyền thống và hiện đại tùy theo sở thích của các bạn nhỏ.
Đặt bánh Trung thu ở giữa, xen kẽ các loại bánh nướng và bánh dẻo. Bày kẹo xung quanh theo hình vòng tròn hoặc đường thẳng, xen kẽ các loại kẹo màu sắc khác nhau. Thêm hoa quả nhỏ như nho, táo, cam tách múi, và trang trí bằng lá chuối hoặc lá dứa. Đặt lồng đèn nhỏ và phụ kiện như hoa giấy, nơ, hoặc dây ruy băng để tăng thêm phần lung linh. Bằng cách bày trí sáng tạo, mâm cỗ Trung thu sẽ rực rỡ và đầy màu sắc, mang lại niềm vui cho trẻ em.
Kết: Vừa rồi là những món đồ không thể thiếu trong mâm cỗ Trung thu và hướng dẫn bày trí mâm cỗ Trung thu đẹp mắt. Hy vọng những thông tin dưới đây sẽ giúp bạn bày trí mâm cỗ Trung thu thật tươm tất.