Gen Z (viết tắt của Generation Z) còn gọi là thế hệ Z. Từ điển Oxford có ghi nhận, Gen Z là những người được sinh từ cuối những năm 1990 – 2012. Một số nghiên cứu từ phương tiện truyền thông nói rằng quãng tuổi của Gen Z là từ năm 1997 – 2015. Trên thực tế, quãng tuổi phổ biến được công nhận rộng rãi nhất là từ năm 1997 – 2012.
Được sinh ra trong thời kỳ công nghệ và Internet bùng nổ, Gen Z còn được đặt cho nhiều tên gọi khác như: iGeneration (thế hệ internet), Post-millennials (thế hệ sau Gen Y), Gen Tech (thế hệ công nghệ),…
Gen Z trên toàn thế giới có khoảng 2,6 tỷ người, tương đương khoảng 1/4 dân số toàn cầu. Tại Việt Nam, Gen Z chiếm khoảng 25% lực lượng lao động của cả nước, tương đương khoảng 15 triệu người.
2. Nguồn gốc của từ Gen Z
Gen Z phần lớn là con cái của Gen X (1965-1980), ở ngay sau Millennials – Gen Y (1981-1996) và trước thế hệ Alpha (từ năm 2012 trở về sau). Được sinh ra và lớn lên trong thời đại thế giới có sự phát triển vượt bậc ở nhiều lĩnh vực như: phát triển máy tính, khám phá vũ trụ,…
Thuật ngữ “Gen Z” xuất hiện lần đầu vào tháng 9 năm 2000 trên tờ Adage (Thời đại quảng cáo) và dần trở thành từ ngữ phổ biến trong lĩnh vực marketing. Gen Z được xem là nhóm đối tượng tiềm năng của nhiều thương hiệu bởi phong cách sống năng động, cởi mở.
Bằng cách phân chia khách hàng theo từng nhóm nhân khẩu học khác nhau (Gen Z, Millennials, Baby Boomers), đội ngũ nghiên cứu thị trường có thể nắm bắt tâm lý khách hàng tốt hơn, giúp tạo ra các sản phẩm hoặc dịch vụ mang tính cá nhân hóa cao.
3. Đặc điểm thú vị của Gen Z
Dưới đây là những đặc điểm thú vị của Gen Z, làm cho thế hệ này trở nên khác biệt và đặc biệt hơn những thế hệ khác:
3.1 Hiểu biết hơn về công nghệ
Gen Z được sinh ra và lớn lên trong kỷ nguyên số, họ được tiếp xúc với công nghệ từ khi còn nhỏ và thành thạo sử dụng các thiết bị điện tử, internet, mạng xã hội. Đồng thời, họ cũng được tận hưởng nền giáo dục phát triển, giúp họ dễ dàng nắm bắt và làm chủ các công nghệ mới. Thậm chí, thế hệ Z còn có thể sáng tạo ra các công nghệ mới và làm chúng trở nên có ích trong đời sống.
3.2 Tư duy về tài chính tốt hơn
Gen Z là thế hệ có nhận thức sớm về giá trị của tiền bạc và nhiều bạn trẻ đã nhận ra tầm quan trọng của việc quản lý tài chính cá nhân. Thêm vào đó, họ thường tìm hiểu về những kinh nghiệm quý báu từ những thế hệ đi trước trong việc quản lý tài chính, tiết kiệm và đầu tư để tạo ra nguồn thu nhập thụ động, điều này giúp họ xây dựng nền tảng tài chính vững chắc hơn so với các thế hệ trước.
3.3 Dám sống phá cách, ưa mạo hiểm
Thế hệ trẻ luôn có sự cá tính hơn thế hệ trước, đặc biệt là thế hệ Z, biên độ phá cách của họ còn lớn hơn Gen Y Millennials gấp nhiều lần. Gen Z thường mang tinh thần ưa mạo hiểm, “dám nghĩ – dám làm”, đã làm thì phải cho ra trò. Với tư duy mới mẻ và độc đáo, Gen Z không ngừng đổi mới bản thân và cả trong công việc. Họ sẵn sàng theo đuổi đam mê và sống hết mình với nó cho dù có trở nên khác biệt hay bị người khác dèm pha. Đồng thời, sự bạo gan này lại giúp cho nhiều bạn trẻ Gen Z đạt được nhiều thành tựu từ khi còn rất trẻ.
3.4 Giỏi nhiều kỹ năng khác nhau
Được may mắn tận hưởng nền giáo dục tiến bộ, khuyến khích học sinh phát triển toàn diện, không chỉ tập trung vào các môn học truyền thống mà còn có các hoạt động ngoại khóa, kỹ năng mềm và tư duy sáng tạo. Gen Z thường được khuyến khích tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau, giúp họ phát triển đa dạng kỹ năng.
Thế hệ Z còn có khả năng tự học và tìm kiếm thông tin trên internet. Các khóa học trực tuyến, video hướng dẫn và tài liệu học tập phong phú trên mạng giúp họ dễ dàng tự mình học hỏi và rèn luyện kỹ năng mới mà không cần phải phụ thuộc hoàn toàn vào giáo dục truyền thống.
Ngoài ra, phần lớn gia đình và xã hội luôn hỗ trợ các bạn trẻ trong việc phát triển toàn diện nên Gen Z có cơ hội được tiếp cận và giỏi nhiều kỹ năng khác nhau.
3.5 Cập nhật xu hướng tốt hơn
Gen Z lớn lên cùng với sự phát triển của internet nên không khó để họ nắm bắt được xu hướng mới nhất từ thời trang, âm nhạc, công nghệ, phong cách sống hay các phong trào xã hội. Các nền tảng mạng xã hội như Instagram, TikTok, Twitter, và YouTube trở thành công cụ giúp họ dễ dàng tiếp cận với thế giới.
Họ thường theo dõi các influencer (người truyền cảm hứng), chuyên gia và các trang tin tức để cập nhật nhanh chóng những gì đang thịnh hành. Họ không ngại tiếp nhận và áp dụng các xu hướng mới vào cuộc sống hàng ngày, từ đó giúp họ bắt kịp và thậm chí tạo ra những xu hướng mới.
4. Gen Z trong thời đại này
Với nhiều đặc điểm thú vị trong tính cách, suy nghĩ, cuộc sống của gen Z trong thời đại này cũng có vài sự khác biệt so với các thế hệ khác. Cùng tìm hiểu thử một vài quan điểm và lối sống của gen Z thời đại 4.0 ra sao nhé!
4.1 “Cái gì vui vẻ thì mình ưu tiên”
Khác với thế hệ cha mẹ thuộc gen X, anh chị gen Y, gen Z phần lớn chưa phải bước vào giai đoạn lập gia đình nên họ vẫn có nhiều thời gian dành cho bản thân, công việc, bạn bè,… Với mong muốn có cuộc sống khác đi so với thế hệ trước, gen Z thời đại này đã biết sống vì mình nhiều hơn, yêu bản thân hơn, làm hết sức và cũng chơi hết mình. Thường thì họ sẽ ưu tiên những điều mà bản thân cảm thấy vui vẻ như: tổn thương thì đi chữa lành, tự thưởng cho bản thân sau một tuần/ một tháng làm việc chăm chỉ, hay thậm chí là lấy chồng muộn để vui chơi cho đã,…
Lối sống này giúp họ tự tin, thoải mái trong việc được là chính mình, từ đó dần ít đi việc giới trẻ phải sống theo cách mà cha mẹ mong muốn. Thậm chí nhiều bạn thế hệ Z bây giờ còn được cha mẹ ủng hộ việc sống tự lập, tự do thoải mái làm những điều mình muốn miễn là không sai với đạo đức và pháp luật.
4.2 Bản lĩnh trong công việc
Nhân sự gen Z trong thời đại 4.0 thường có khả năng làm nhiều việc cùng một lúc (multitasking); tư duy sáng tạo, đột phá luôn tìm cách làm mới và cải tiến trong công việc; thể hiện khả năng của bản thân nhiều hơn, hay việc thích nghi và làm việc hiệu quả trong doanh nghiệp quốc tế – môi trường đa văn hóa không phải là việc quá khó đối với các bạn gen Z tài năng.
Tuy nhiên, với cái tôi cao và tư duy tiến bộ, gen Z thường muốn đóng góp bình đẳng vào công việc, cũng như sẵn sàng phản hồi với cấp trên khi nhận thấy những điểm bất hợp lý trong công việc. Nhưng điều đó không có nghĩa là gen Z tự cao và không thích khi bị cấp trên góp ý. Chỉ cần góp ý một cách công tâm, không lạm quyền thì gen Z sẽ sẵn sàng lắng nghe và thay đổi.
4.3 Dễ bị tác động bởi công nghệ
Dù có nhiều lợi thế về nền tảng giáo dục, sự hỗ trợ của gia đình và xã hội, nhưng gen Z lại dễ bị tác động bởi công nghệ do lớn lên trong kỷ nguyên của công nghệ số. Những mặt trái như: phụ thuộc vào điện thoại di động, “nghiện” mạng xã hội, tiếp nhận nội dung tiêu cực, đặc biệt là “áp lực đồng trang lứa” khi trên mạng ai cũng tài giỏi và thành công hơn mình.
Những nội dung độc hại khiến các bạn trẻ có tâm lý yếu, trở nên hoang mang, lo sợ. Từ đó kinh doanh những giải pháp sai lệch trên những nỗi sợ đó. Nhiều yếu tố tác động cộng với việc thiếu kỹ năng sống làm cho gen Z thành thế hệ có nhiều nỗi lo và áp lực hơn những thế hệ khác.
4.4 Bị gắn cho đủ loại mác trên đời
Trong những năm gần đây, mặt trận truyền thông không thiếu những chiếc mác gắn cho gen Z như: Gen Z là thế hệ khó làm việc cùng, Gen Z thích bật sếp, Gen Z “mỏ hỗn”, Gen Z không biết chắt chiu, Gen Z nổi loạn,… Những biệt danh dễ thương có, tiêu cực cũng có cứ thế gắn liền với Gen Z khiến các bạn trẻ đôi khi không biết mình đã làm gì mà bị mang tiếng như thế.
Có những bạn trẻ với suy nghĩ còn non nớt và có cái tôi lớn đã có những phát ngôn hoặc hành động gây sốc, từ đó khiến mọi người có cái nhìn không tốt về gen Z. Tuy nhiên đó chỉ là những trường “con sâu làm rầu nồi canh”, trên thực tế còn có rất nhiều tấm gương về Gen Z biết 7 thứ tiếng, Gen Z vượt sướng, có gia cảnh tốt nhưng vẫn tự lập, tự nỗ lực để đạt được thành tựu. Chính vì vậy, việc gắn mác cho một thế hệ nào đó là điều không cần thiết và có thể khiến cho họ cảm thấy tổn thương.
Kết: Vừa rồi là những giải đáp về Gen Z là gì và những thông tin thú vị xoay quanh thế hệ Z như nguồn gốc, đặc điểm và Gen Z trong thời đại này. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp mọi người hiểu hơn về thế hệ cá tính, tài năng và nổi bật này.