Dưới đây là những thông tin giúp bạn tìm hiểu về lễ hội Đền Hùng một cách chi tiết:
1.1. Lễ hội Đền Hùng diễn ra vào lúc nào?
Lễ hội Đền Hùng hay Giỗ Tổ Hùng Vương được UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức hàng năm tại Đền Hùng, tọa lạc trên núi Nghĩa Lĩnh, thôn Cổ Tích, xã Hy Cương, TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.
Giỗ Tổ Hùng Vương 2024 sẽ diễn ra từ ngày mùng 01/3 đến hết mùng 10/3 âm lịch, tức ngày 09/4 đến hết ngày 18/4 dương lịch. Trong thời gian này, tại địa bàn tỉnh Phú Thọ triển khai nhiều hoạt động, chương trình đặc sắc để chào đón du khách gần xa.
1.2. Ý nghĩa của lễ hội Đền Hùng
Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn các vua Hùng cũng như các bậc tiền nhân đã có công dựng và giữ nước. Bên cạnh đó, lễ hội cũng góp phần giáo dục người dân truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” và sức mạnh đại đoàn kết dân tộc.
Ngoài ra, Giỗ Tổ Hùng Vương cũng là dịp để tăng cường các hoạt động quảng bá di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch của tỉnh Phú Thọ nói riêng và Việt Nam nói chung.
Với ý nghĩa đó, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Vào ngày 6/12/2012, UNESCO đã chính thức công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
2. Một số nghi thức trong phần lễ của lễ hội Đền Hùng
Phần lễ của lễ Giỗ Tổ Hùng Hùng được tổ chức trang nghiêm, thành kính, mang tính cộng đồng đảm bảo an ninh, văn minh và tiết kiệm. Mở đầu phần lễ, khi tiếng nhạc phường bát âm bắt đầu, chủ tế sẽ đọc lời cầu nguyện trước ngai thờ của vua Hùng.
Kết thúc mỗi lần đọc sẽ kèm theo một hồi trống và chiêng hiệu. Sau đó, đoàn tế tiến lên phía trước tiền đường, thực hiện nghi thức quỳ lạy rồi lui về sau. Khi tham gia phần lễ, bạn sẽ được chiêm ngưỡng hình ảnh rực rỡ của những đoạn kiệu sơn son thiếp vàng, cờ hoa, ô lọng được rước bởi những nam thanh nữ tú trong làng.
Một số nghi thức quan trọng trong phần lễ:
-
1/3 – 10/3 âm lịch (tức ngày 9/4 – 18/4/2024 dương lịch): Lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thị, thành trong tỉnh Phú Thọ.
-
6/3 âm lịch (tức ngày 14/4/2024 dương lịch): Lễ Giỗ Đức quốc tổ Lạc Long Quân và lễ Dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ.
-
7/3 âm lịch (tức ngày 15/4/2024 dương lịch): Các địa phương tiến hành lễ Rước Kiệu về Đền Hùng.
-
10/3 âm lịch (tức ngày 18/4/2024 dương lịch): Lễ Giỗ Tổ Hùng vương và Dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”.
3. Các hoạt động hấp dẫn trong phần hội của lễ hội Đền Hùng
Phần hội trong lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa – Du lịch đất Tổ gồm có:
3.1. Tham quan các tác phẩm, ấn phẩm, tư liệu về Hùng Vương
Khi tham gia lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, bạn có thể ngắm nhìn hiện vật, di sản tư liệu, sách bào về các vị vua Hùng cũng như tìm hiểu phong tục, tín ngưỡng thờ cúng của người dân. Để tham quan bạn có thể đến Thư viện tỉnh Phú Thọ (Tp. Việt Trì), Bảo tàng Hùng Vương (Khu di tích lịch sử Đền Hùng).
3.2. Trải nghiệm các trò chơi thú vị
Nếu bạn là người thích không khí náo nhiệt, thì chắc chắn không nên bỏ qua các trò chơi thú vị trong phần hội. Theo đó, bạn có thể trải nghiệm trò chơi dân gian như thi gói, nấu bánh chưng; giã bánh giầy tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Ngoài ra, bạn còn có thể theo dõi hội thi bơi chải mở rộng tại hồ Công viên Văn Lang, hay trận đấu bóng chuyền của các đội mạnh tranh cúp Hùng Vương tại Nhà luyện tập và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh Phú Thọ.
3.3. Thưởng thức tiết mục biểu diễn văn hóa dân gian đặc sắc
Trong chuyến hành hương về đất Tổ, bạn còn có thể thưởng thức nhiều tiết mục đặc sắc như:
-
Biểu diễn múa rối nước tại Nhà múa rối.
-
Triển lãm mỹ thuật chủ đề “Quê hương, đất nước, con người Phú Thọ”
-
Tối 9/3 âm lịch (tức 17/4 dương lịch), tại hồ Công viên Văn Lang diễn ra chương trình nghệ thuật và bắn pháo hoa tầm cao.
-
Chương trình âm nhạc đường phố “Việt Trì Livemusic” tại Công viên Văn Lang.
-
Liên hoan văn nghệ quần chúng và dân ca Phú Thọ.
-
Đánh trống đồng, đâm đuống ở Nhà công quán tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
-
Hát Xoan làng cổ tại các phường Xoan gốc trên địa bàn Tp. Việt Trì gồm đình An Thái, miếu Lãi Lèn, đình Thét, đình Hùng Lô.
4. Lưu ý khi tham gia lễ hội Đền Hùng
Khi đến Đền Hùng vào ngày lễ hoặc ngày thường, bạn cũng nên lưu ý những điều sau để có chuyến đi trọn vẹn:
-
Khi bạn đi qua cổng Tam quan vào Đền Hùng nên đi ở cửa Giả Quan (bên phải) và đi ra bằng cửa Không quan (bên trái). Cửa Trung quan chỉ dành cho Thiên tử, Tứ trụ triều đình, bậc cao tăng, bậc khoa bảng đi vào và đi ra Đền Hùng.
-
Khi đến Đền Hùng, bạn nên mặc trang phục nghiêm túc, lịch sự khi vào đền.
-
Do Đền Hùng tọa lạc trên núi nên bạn phải leo bậc thang khá cao. Do đó, bạn nên mang giày bệt thoải mái, tránh những đôi giày chật hay guốc cao gót.
-
Bạn nên mang tư trang gọn gàng và luôn đề cao cảnh giác để bị mọc túi, trộm cắp hay lừa đảo.
-
Nếu muốn dâng lễ vật tại đền, bạn chuẩn bị 18 chiếc bánh dày và 18 chiếc bánh chưng để dâng lên 18 đời Vua Hùng, cùng với hương hoa, nước, trầu, cau, rượu và ngũ quả.
-
Bạn nên tắt điện thoại hoặc chỉnh chế độ rung trước khi vào đền.
-
Không để trẻ em nô đùa trong đền, nghịch ngợm đồ lễ,…
-
Không tự ý sử dụng hoặc lấy những đồ vật của đền về nhà làm của riêng.
-
Vào Phật đường, Tam bảo, bạn không nên đi giày dép, nhai trầu, hút thuốc.
-
Không nói chuyện, bình phẩm, ngồi hoặc nằm trong Thiên Triều đường. Đồng thời, không được tùy tiện hắt hơi, khạc nhổ,… quanh khu vực đại điện, đại cung.
-
Bạn không nên chụp ảnh, quay phim tùy tiện trong đền.
-
Khi đứng khấn vái, không nên đứng chính diện hoặc quay lưng với bàn thờ mà hãy đứng chéo sang một bên.
Hy vọng các chia sẻ trong bài viết giúp bạn biết rõ địa điểm và thời gian lễ hội Đền Hùng diễn ra, để có kế hoạch thăm viếng đền phù hợp. Đừng quên đón đọc nội dung thú vị khác tại chuyên mục Mẹo vặt để biết thêm nhiều thông tin hữu ích nhé!